3 ông bầu bóng đá làm nóng thị trường cà phê

Tại thị trường cà phê Việt Nam, doanh nghiệp nội địa đang gây sức ép rất lớn lên các thương hiệu đình đám nước ngoài như Coffee Bean & Tea Leaf, Starbucks. Đặc biệt, khi có thêm nhiều đại gia Việt tham gia vào thị trường cà phê thì người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và nông dân hưởng lợi. Không chỉ vậy, giá trị từ hạt cà phê sẽ gia tăng mạnh, thay vì chỉ xuất thô và hưởng phần ngọn rất nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba ông bầu vào cuộc

Tại quán cà phê Ông Bầu trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP. HCM), Minh Gia, 33 tuổi, một nhân viên văn phòng chậm rãi thưởng thức ly cà phê đen đá đậm đặc trong một không gian mát rượi, có mặt tiền hướng ra con đường đông đúc xe cộ. “Vị ngon, không gian đẹp và giá rẻ là những yếu tố đã kéo tôi đến đây” – Gia chia sẻ.

Những vị khách trẻ tuổi, biết thưởng thức như Minh Gia đang là tầm ngắm lôi kéo của các thương hiệu cà phê nội lẫn ngoại. Nói cách khác, Việt Nam đang sở hữu một tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, với dân số trẻ dám chi tiền đã thu hút các đại gia Việt Nam đầu tư mạnh vào cà phê.

Không cần ra mắt hoành tráng, tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, giới thiệu một cách ngắn gọn: “Cà phê kết hợp với sữa đặc Vinamilk sẽ là món uống tuyệt vời. Mọi người có thể đến các cửa hàng của chúng tôi để uống thử”. Bà Liên đã chọn đúng trọng tâm để nói về thương hiệu Hi-Café của Vinamilk. Đó là cà phê kết hợp với sữa đặc có đường, một món uống làm nên bản sắc cho Việt Nam, vốn rất được thế giới công nhận và yêu thích.

Trước đó không lâu trên thị trường xuất hiện chuỗi cà phê Ông Bầu đến từ sự hợp tác của ba doanh nhân đam mê làm bóng đá. Đó là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood.

Nhóm ba ông bầu bóng đá đã chọn cách thức nhượng quyền kinh doanh để mở rộng quy mô chuỗi và lan tỏa thương hiệu. Bầu Đức chia sẻ rằng người nông dân chưa thực sự được hưởng thành quả lao động trên các nương rẫy cà phê, dù thành phẩm của họ hiện diện khắp thế giới. Mở chuỗi quán Ông Bầu là một trong những cách tăng thêm thu nhập và trả lại cho bà con trồng cà phê giá trị thật.

3 ông bầu bóng đá làm nóng thị trường cà phê - ảnh 1
Ba ông bầu mê bóng đá gồm bầu Đức, bầu Thắng và bầu Hải mở chuỗi cà phê Ông Bầu. Ảnh: TIẾN PHẠM

Đủ lực cạnh tranh trên thị trường

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex, một ông trùm trong ngành cà phê cho rằng muốn thâm nhập vào thị trường này phải có một quá trình gọi là phải đủ sản phẩm mang tính thương mại. Có nghĩa là sản lượng phải lớn và ổn định, để có khả năng sản xuất sản lượng lớn với giá thành thấp. Tiếp theo buộc phải đầu tư có chiều sâu để đảm bảo rằng bán cái người ta cần chứ không bán cái người ta có.

Dưới góc nhìn này, việc ông lớn Vinamilk và nhóm ba ông bầu bóng đá xây dựng các thương hiệu cà phê Việt có thể đủ lực cạnh tranh trên thị trường vốn đông đúc các thương hiệu cà phê nội lẫn ngoại. Bởi vì những tên tuổi mới này đều có đủ nguồn lực tài chính, am hiểu kinh doanh và sở hữu thương hiệu riêng đầy tiếng tăm.

Trên thực tế, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, chuỗi cà phê Ông Bầu đã có 100 điểm bán và 600 đơn yêu cầu mở quán đang được phê duyệt. Còn đại gia sữa đã khởi động ngay thương hiệu Hi-Café trên hàng trăm cửa hàng Vinamilk shop.

Phải sạch và thật

Bầu Đức chia sẻ: “Tôi làm bất cứ việc gì cũng theo đuổi hai thứ: Sạch và thật. Chơi bóng đá phải sạch và uống cà phê phải thật. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, vậy tại sao chúng ta lại phải uống cà phê độn? Mỗi một ly cà phê Ông Bầu bán ra là bớt đi một ly cà phê không thật”.

“Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ đóng góp 1.000 đồng mỗi ly cà phê cho Quỹ phát triển tài năng trẻ Việt Nam” – ông Đức nói.

Con đường gian nan phía trước

Khi được hỏi liệu tới đây có uống cà phê Ông Bầu thường xuyên, Minh Gia cười nói: “Chất lượng và giá tốt, nhưng tôi cũng thích nhiều thương hiệu khác chứ không riêng một mình cà phê Ông Bầu”. Những khách hàng trẻ như Minh Gia vốn thích cái mới, trải nghiệm lạ, thú vị nên thường không trung thành với một thương hiệu duy nhất. Chính điều này khiến cuộc chiến trên thị trường cà phê trở nên khốc liệt.

Vinamilk có lẽ thấm thía bài học thất bại cà phê trước đây của mình. Đầu thập niên 2000, đại gia sữa đã xây dựng khá thành công thương hiệu cà phê hòa tan Moment, sau đó quyết định xây nhà máy để làm nền tảng tấn công mạnh thị trường. Nhưng Vinamilk không thành công, phải bán lại nhà máy cho Trung Nguyên.

Lần này bà Mai Kiều Liên đã chọn cách chơi khác. Bà cho biết mọi người lo lắng mở chuỗi dễ lỗ nhưng Vinamilk không bỏ ra 10.000-20.000 USD để thuê mặt bằng mở quán cà phê mà bán trực tiếp tại chuỗi cửa hàng bán sản phẩm Vinamilk. Điều này có nghĩa rằng Vinamilk sẽ không tốn nguồn lực thuê mặt bằng, đầu tư không gian. Thay vào đó, Vinamilk ngay lập tức có sẵn điểm bán quy mô lớn trên cả nước, đồng thời nơi đây có đa dạng sản phẩm để kết hợp bán chéo.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Tâm, cũng thừa nhận thách thức của chuỗi là tìm mô hình kinh doanh thích hợp. Với chuỗi cà phê Ông Bầu, giá bán sẽ rất mềm, đồng thời xây dựng điểm bán gọn nhẹ, có vị trí hiệu quả với suất đầu tư dưới 100 triệu đồng, doanh thu đạt trên 1 triệu đồng/ngày. “Hiệu suất tốt, thương hiệu mạnh từ tình yêu bóng đá của người dân kết hợp với nhượng quyền sẽ mở rộng quy mô chuỗi và cạnh tranh được trên thị trường” – ông Thắng tự tin.

Chuỗi cà phê thương hiệu nội đang thắng thế

Nhìn về toàn cảnh thị trường chuỗi cà phê, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, hiện nay tại Việt Nam có năm chuỗi cà phê lớn gồm Highlands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long và Trung Nguyên nhưng chỉ chiếm 15,3% thị phần. Trong khi đó, quy mô thị trường cà phê và trà đặc sản tại Việt Nam lên đến con số hơn 1 tỉ USD. Như vậy, nhìn về dung lượng thị phần vẫn còn đủ dư địa cho người mới tham gia để nắm bắt lợi nhuận.

Bà Grace Chia, chuyên gia phân tích của Euromonitor, nhận định tại thị trường Việt Nam, các chuỗi cà phê thương hiệu nội địa đang mở rộng quy mô và kinh doanh tốt hơn các thương hiệu quốc tế. Lý do các thương hiệu nội địa hiểu thị trường, đáp ứng nhanh các xu hướng của khách hàng và đặc biệt giá hợp lý.

Bài viết liên quan