Giá hầu hết tất cả các hàng hóa nguyên liệu đều quay đầu giảm trong phiên thứ Ba (16/5), ngoại trừ cà phê Robusta tăng lên mức cao nhất trong 12 năm.
Cà phê Robusta chạm đỉnh 12 năm
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tương lai đạt mức cao mới trong 12 năm vào thứ Ba do người trồng cà phê tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Việt Nam – hạn c hế tránh bán ra, nguồn cung giảm ở Indonesia và vụ thu hoạch của Brazil chậm hơn bình thường.
Kết thúc phiên, trên sàn London (ICE), cà phê robusta giao tháng 7 tăng 23 USD, tương đương 0,9%, lên 2.511 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2011, là 2.534 USD.
Các đại lý cho biết nông dân ở Việt Nam gần như không còn hàng và đang giữ những gì họ có, chỉ bán khi họ cần tiền mặt, mặc dù giá nội địa đang ở mức cao kỷ lục.
Sản lượng trong vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7 ở Indonesia ước tính thấp hơn 20%-30%.
Trái với Robusta, cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn New York giảm 2,6 cent, tương đương 1,4%, xuống 1,868 USD/lb.
Hiệp hội Cà phê xanh Mỹ cho biết họ sẽ không công bố các báo cáo về mức tồn kho cà phê xanh trong nước nữa.
Dầu giảm do dữ liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc yếu
Giá dầu giảm vào thứ Ba do dữ liệu kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ yếu hơn dự kiến mặc dù Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng.
Kết thúc phiên, giá dầu thô Brent giảm 32 cent xuống còn 74,91 USD/thùng, dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 25 cent xuống còn 70,86 USD.
Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 4 thấp hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà vào đầu quý hai.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao thứ hai được ghi nhận đã giúp giữ giá dầu thô ở mức sàn.
Dữ liệu của Mỹ cũng cho thấy doanh số bán lẻ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4, thể hiện người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn do giá cả và lãi suất tăng.
IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Tổ chức này cho biết sự phục hồi của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế chống COVID-19 đã vượt quá mong đợi, với nhu cầu đạt mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng Ba.
Vàng xuống dưới 2.000 USD
Giá vàng giảm xuống dưới 2.000 USD vào thứ Ba sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ và các phát ngôn ủng hộ lập trường tăng lãi suất từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang khiến nhiều người đặt cược rằng việc cắt giảm lãi suất có thể bị trì hoãn, trong khi các nhà giao dịch chú ý vào các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 1,6% xuống còn 1.987,39 USD/ounce lúc, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong hai tuần (1.989,10 USD). Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 1,5% xuống 1.993 USD.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4, nhưng xu hướng cơ bản là vững chắc, thúc đẩy đồng đô la tăng giá và đưa lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm lên mức cao nhất trong hai tuần.
Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cho biết ông “thoải mái” với việc tăng lãi suất hơn nữa nếu cần thiết để giảm lạm phát. Giám đốc Fed Cleveland Loretta Mester cho biết ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa ở thời điểm có thể giữ lãi suất ổn định trong một khoảng thời gian.
Nhôm tăng nhưng có nguy cơ giảm
Giá nhôm trên sàn LME tăng 0,2% ở mức 2.264,50 USD/tấn do dữ liệu cho thấy sản lượng nhôm của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 0,8% so với một năm trước đó.
Tại một hội nghị diễn ra ngày hôm qua, các nhà phân tích cho biết nhu cầu về nhôm đã sụt giảm ở châu Âu và Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu trong những tuần gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, làm tăng nguy cơ giá tiếp tục giảm.
Đồng giảm do dữ liệu của Trung Quốc
Giá đồng giảm vào thứ Ba do dữ liệu từ nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc cho thấy sự phục hồi kinh tế của nước này đang mất đà, làm xấu đi triển vọng nhu cầu kim loại.
Tiếp theo chuỗi những dữ liệu yếu kém, Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn dự báo, với đầu tư bất động sản và doanh số bán hàng suy yếu và lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều kim loại bị thu hẹp trong tháng 4.
Kết thúc phiên, giá đồng kỳ hạn 3 tháng giảm 1,9% xuống 8.114 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp 8.090,50 USD.
Dự trữ đồng vẫn đang giảm tại các kho giao dịch của Trung Quốc, nhưng dự trữ trong hệ thống LME đã tăng lên 83.825 tấn, mức cao nhất kể từ tháng Giêng.
Điều bất thường là trên sàn LME gần như không còn đồng – chỉ còn 125 tấn – được dành để giao hàng.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm vào thứ Ba, chịu áp lực bởi mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc thấp hơn dự kiến.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 của Sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 2,1 yên, tương đương 1,0%, xuống 210,4 yên (1,56 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 45 CNY xuống còn 12.200 CNY (1.765,02 USD)/tấn.
Tồn kho cao su tại các kho do SHFE giám sát đã giảm 1% so với một tuần trước đó, sàn giao dịch cho biết vào thứ Sáu tuần trước.
Đậu tương, ngô sụt giảm
Giá đậu tương Mỹ giảm 2,6% vào thứ Ba xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng, giá ngô cũng giảm gần 2%, chịu áp lực bởi thời tiết vụ mùa thuận lợi ở Trung Tây nước Mỹ và cạnh tranh mạnh mẽ đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu toàn cầu.
Giá lú mì cũng theo đó giảm xuống.
Kết thúc phiên, trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), giá đậu tương giao tháng 7 giảm 36-3/4 cent xuống 13,64 USD/bushel sau khi giảm xuống còn 13,58-3/4 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 19 tháng 10.
Giá ngô giao tháng 7 kết thúc giảm 11-1/4 cent ở mức 5,81-1/4 USD/bushel và lúa mì giao tháng 7 kết thúc giảm 13-1/4 cent xuống 6,47-1/2 USD.
Quặng sắt giảm từ mức cao nhất 3 tuần
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên sàn Đại Liên tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn ba tuần vào thứ Ba, được hỗ trợ bởi lời hứa của ngân hàng trung ương Trung Quốc về việc cung cấp thanh khoản cho thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá giảm đi một chút.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) kết thúc phiên ở mức tăng 1,12% lên 723,5 nhân dân tệ (104,67 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất trong hơn ba tuần là 733,5 nhân dân tệ/tấn trước đó.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ giữ thanh khoản dồi dào hợp lý và lãi suất hợp lý và phù hợp để hỗ trợ nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, một loạt dữ liệu kinh tế đã làm giảm sút tâm lý nhà giao dịch, cho thấy sự trượt dốc ngày càng tồi tệ trong lĩnh vực bất động sản.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,79% xuống 104,2 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất trong một tuần là 105,03 USD/tấn vào thứ Hai.
Các thành phần sản xuất thép khác cũng giảm tương tự, với thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,33% xuống 3.640 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,32%, dây thép cuộn giảm 2,29% và thép không gỉ giảm 3,22%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/5: