Mới hơn 2 tháng kể từ đầu mùa xuống giống ở địa bàn Tây Nguyên, nhiều vườn ươm ở vựa cây lớn nhất khu vực, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã bán hết cây cà phê giống. Bên cạnh những đơn hàng mua bán trực tuyến, không ít nông dân đánh cả xe tải, bán tải và công nông đi mua cây cà phê. Nếu như mọi năm, bà con dễ dàng mua được với giá chỉ từ trên dưới 2.000 – 4.000 đồng/cây (tùy loại), thì năm nay mức giá tăng gấp nhiều lần mà vẫn khó tìm được cây giống đẹp như ý.
Anh Nguyễn Văn Út, ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, đã đặt mua ở tỉnh Đắk Lắk, chấp nhận vận chuyển xa gần 300km với hy vọng sẽ được những cây cà phê tốt nhất, nhưng khi tới nơi, anh rất thất vọng vì vườn chỉ còn những cây kém chất lượng: “Cà phê đắt thì nhặt hết cà phê tốt, bán xong rồi gom số còn lại, bảo giao cho mình. Như vậy thì bảo liệu ai chịu nổi không? Những cây tốt thì đã nhặt bán hết”.
Mùa xuống giống năm 2023 mới qua gần một nửa thời gian, nhưng thành bại của các vườn ươm đã được định đoạt. Theo một chủ vườn tên Ủy, ở thôn 11, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, năm nay, ai ươm nhiều cà phê thì thắng lớn, còn lại đều gặp khó khăn. Ngay cả cây sầu riêng, vốn rất được ưa chuộng những năm trước, thì năm nay cũng gần như bị lãng quên trước sức hút của cà phê.
“Cây cà phê thì lúc đầu mùa người ta bán có 1.500 – 1.600 đồng/cây, nhưng bây giờ người ta bán 9.000 – 10.000 đồng/cây; có khi đến 25.000 đồng/cây, gấp mấy lần. Tức là không lường được người ta trồng cà phê nhiều thế. Còn sầu riêng, thì mọi năm bán 100.000 – 110.000 đồng, bây giờ chỉ bán 70.000 – 80.000 đồng”, ông Ủy cho hay.
Việc giá cây cà phê giống tăng cao khiến nông dân, khi đến Hòa Thắng thường phải khảo giá hết cơ sở này đến cơ sở khác. Tuy nhiên, việc khảo giá và mặc cả của nông dân ở thời điểm này rất khó giúp họ mua được cà phê giống với giá như mong đợi, bởi tình trạng tăng giá diễn ra đồng loạt.
“Công làm trước là 150.000 – 160.000 đồng, giờ lên 230.000 đồng. Đất ươm cây, trước 500.000/xe, giờ là hơn 1.000.000 đồng/xe. Nói chung, tất cả công làm, mọi thứ bây giờ đều tăng. Mà người ta lên giá thì chúng tôi cũng phải lên giá”, người phụ trách điểm bán cây giống của vườn ươm Quốc Cường, xã Hòa Thắng, lý giải nguyên nhân của việc lên giá.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà phê, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc sốt giá, khan hàng cây cà phê giống trong năm nay là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Đáng kể nhất trong đó là giá cà phê nhân duy trì ở mức từ 60.000 đến 67.000 đồng/kg suốt thời gian dài, đúng vào thời điểm giá chanh dây, một sản phẩm trồng thay thế cho vườn cà phê tái canh, bị sụt giảm nghiêm trọng; diện tích lớn sầu riêng bị rụng trái khiến nông dân e ngại. Những điều đó thúc đẩy nông dân trở lại với trồng cà phê, khiến nhu cầu cây giống tăng vọt. Ngay cả trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê cũng chỉ đủ cây giống để bán trong tháng 5 và tháng 6.
Anh Trần Tuấn, cán bộ phụ trách điểm bán giống của trung tâm cho biết, từ cách đây 3 tuần, toàn bộ hơn 1 triệu cây giống ươm trồng được trong vụ này, đã được giao hết đến tay khách hàng. Ngay cả hạt cà phê giống, cũng phải đợi vài tháng nữa mới có để ươm trồng vụ mới, nên rất khó khắc phục tình trạng sốt giá cây cà phê giống hiện nay.
“Bên ngoài, khi sốt là họ tự nâng giá và ế thì họ tự giảm giá. Thị trường mình bây giờ không thể can thiệp gì với các nhóm bán cây bên ngoài. Còn hạt cà phê giống thì phải đợi mùa tới mới có hạt, vì giống cà phê là dùng hạt tươi, chỉ để được vài tháng, để lâu bị hư”, anh Trần Tuấn cho biết.
Khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê khoảng 640.000 ha. Với chu kỳ khai thác 20 năm, mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê tái canh, cần đến khoảng 40 triệu cây cà phê giống. Những năm vừa qua, giá cà phê ở mức khá thấp nên nhịp độ tái canh bị chững lại khi nông dân tạm thay thế các loại cây cho trái hàng năm, như chuối và chanh dây, hoặc chuyển sang trồng cây ăn trái lâu năm như bơ, sầu riêng… Năm nay, cà phê nhân đạt mức giá cao nhất trong lịch sử trong khi đa số trái cây mất mùa hoặc mất giá, đã khiến diện tích cà phê bật tăng trở lại. Đây có thể là diễn biến tích cực, giúp Tây Nguyên hình thành được cơ cấu nông nghiệp hợp lý, hài hòa giữa cà phê chủ lực và những cây kinh tế thế mạnh mới.
Nguồn: https://cafef.vn