Cà phê làm tăng tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng.

Nguyên nhân là nhờ cà phê chứa nhiều chất chống ô xy hóa, có đặc tính chống viêm và có thể bảo vệ chống lại bệnh tật
Các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu về các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí JAMA Oncology, đã phân tích các chế độ ăn uống và khả năng sống sót của một nhóm bệnh nhân đã di căn, do Viện Ung thư Quốc gia tài trợ.
Dữ liệu được thu thập từ hơn 1.500 bệnh nhân đang được điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối hoặc ung thư đã di căn.
Trong đó, phân tích cụ thể về lượng cà phê tiêu thụ được thực hiện trên thông tin từ 1.171 bệnh nhân.
Kết quả đã cho thấy, những bệnh nhân uống 2 – 3 tách cà phê mỗi ngày có khả năng sống lâu hơn và thời gian “cầm cự” trước khi bệnh trở nặng cũng lâu hơn, so với những người không uống cà phê, cho dù cà phê có chứa caffein hoặc không chứa caffeine, theo ET.
Những kết quả này một lần nữa nhấn mạnh những kết quả nghiên cứu trước đây về tác dụng của cà phê đối với bệnh ung thư và làm tăng thêm lợi ích tuyệt vời của cà phê như một siêu thực phẩm chống lại bệnh tật, theo ET.
Đối với những bệnh nhân ung thư đại trực tràng tham gia vào nghiên cứu này, lợi ích càng tăng khi họ uống càng nhiều cà phê.
Lợi ích tăng khả năng sống sót và trì hoãn ung thư ấn tượng đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân uống 2 – 3 tách mỗi ngày. Tuy nhiên, mức lợi ích lớn nhất được quan sát thấy ở những bệnh nhân tiêu thụ 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày, theo ET.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những lợi ích này có thể nhờ vào khả năng giảm nồng độ insulin trong máu của cà phê – bằng cách làm nhạy cảm các mô với tác dụng của insulin, hoặc tác dụng chống ô xy hóa, chống viêm và chống lại quá trình tạo mạch máu – ức chế khối u của cà phê.

Tác dụng chống ung thư của cà phê

Trong khi nghiên cứu này nhấn mạnh mối liên quan giữa việc tiêu thụ cà phê hằng ngày và khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Kimmie Ng, cho biết còn quá sớm để khuyến nghị bệnh ung thư đại trực tràng uống nhiều cà phê như một phương pháp điều trị tiềm năng, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê không có hại mà còn có lợi.
Vì tác dụng chống ung thư của cà phê đã được chứng minh trên nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư đại trực tràng, ung thư gan, vú, đầu và cổ, nên tiềm năng chống ung thư của cà phê đang thu hút sự chú ý từ các nhà nghiên cứu.
Một phân tích tổng hợp kiểm tra việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ ung thư đại trực tràng đã phát hiện ra tác dụng bảo vệ đáng kể của cà phê trong bảy nghiên cứu tại Mỹ.

Cà phê ngăn ngừa bệnh tật và giúp sống lâu

Tiêu thụ cà phê là trọng tâm của một phân tích tổng hợp, được thực hiện kéo dài đến tháng 3.2019, xem xét 40 nghiên cứu liên quan đến gần 4 triệu người tham gia.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, uống khoảng 3,5 tách cà phê mỗi ngày làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, theo ET.
Một lợi ích ấn tượng khác của cà phê liên quan đến khả năng ổn định phản ứng insulin của cơ thể. Trong một phân tích tổng hợp, được công bố trên tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, bao gồm 28 nghiên cứu liên quan đến hơn 1,1 triệu người, kết quả cho thấy tiêu thụ càng nhiều cà phê càng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo ET.

Bài viết liên quan