“Di tích biệt động Sài Gòn”
Anh Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ biệt động thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, hay còn gọi là Mai Hồng Quế, Năm U.SOM). Anh Bình kể, 10 năm sau ngày giải phóng, anh đã bắt đầu đi tìm đến những căn nhà khi xưa cha anh đã từng hoạt động để tìm cách mua lại. Sau đó, anh tìm tòi khắp nơi, sưu tập những kỷ vật của cha và những chiến sĩ biệt động năm xưa, phục dựng lại nguyên bản từ căn nhà đến đường hầm… để làm bảo tàng di tích lịch sử cho mọi người đến tham quan.
Mở đầu cho chuỗi cà phê “Di tích biệt động Sài Gòn”, anh Bình đã phục dựng quán cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn xưa ở căn nhà số 113A Đặng Dung. Khách đến đây vừa uống cà phê, ăn thử món cơm tấm Đại Hàn hương vị Sài Gòn xưa, vừa tận mắt xem những vết tích của lực lượng biệt động thành năm xưa.
Anh Bình cho biết, nơi đây vốn là di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của biệt động Sài Gòn. Thời chiến tranh, ông Năm Lai dưới vỏ bọc là một nhà tư sản, chuyên trang trí nội thất, đã mua lại căn nhà này để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông Năm Lai giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, người thợ làm cùng ông, mở quán cà phê, cơm tấm, nhưng đó chỉ là bình phong để các giao liên đến chuyển thư vào các hộp bí mật. Bên dưới quán bán cà phê, mọi công tác bí mật đều được thực hiện trên lầu. Trên lầu còn có hầm nổi chứa tiền vàng, đôla Mỹ, thuốc Tây…
Sau đó, anh Bình mới phục dựng thêm được một quán cà phê nữa tại địa chỉ 287-70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Ít ai biết được bên dưới quán cà phê phong cách cổ điển này là một hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn xưa. Anh Bình phải mất khá nhiều thời gian cũng như công sức mới sưu tập được các kỷ vật và gìn giữ nguyên vẹn.
Kể lại hành trình của mình, anh Bình cho biết: “Thời điểm ban đầu, tôi đi khắp nơi tìm các cô chú năm xưa để hỏi thăm và sưu tầm các kỷ vật, nhưng ít người có thiện chí tiếp”. Nhiều người biết việc làm của anh, có người ủng hộ nhưng đa số cho là anh làm những điều viển vông. Thậm chí gia đình anh thời gian đầu cũng phản đối, thay vì để số tiền đó đầu tư kinh doanh thì anh lại mang tiền đi lo chuyện không đâu…
Không những vậy, ngoài việc đi tìm sưu tầm kỷ vật đã vất vả, việc tu sửa di tích cũng là một bài toán khó khiến anh đau đầu, vì không phải ai cũng hiểu được giá trị lịch sử và không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, anh may mắn được bạn bè giúp đỡ và giới thiệu anh đến những con người cần phải tìm đến.
Bên trong quán cà phê của anh Vũ Bình |
Trải qua muôn vàn khó khăn, giờ đây anh Bình vô cùng tự hào bởi những việc anh làm không hề viển vông. Khi chứng kiến những người cựu biệt động năm xưa run rẩy bật khóc trước những kỷ vật hay việc các bạn trẻ, các học sinh sinh viên say sưa tìm hiểu về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn… thì anh biết mình đã làm được điều mong muốn. Đó là giá trị tinh thần mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Ngoài những kỷ vật hiếm cùng câu chuyện lịch sử hào hùng, nơi đây còn thu hút khách vì hương vị đặc biệt của cà phê vợt không thể lẫn vào đâu được của hiệu Tấn Sinh (xưa kia là Tái Sinh) được truyền lại từ nhiều đời. Hiện cây cà phê này được trồng ở Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và được người nhà của anh Bình chế biến tại Hóc Môn, TP HCM.
Anh Bình tiết lộ, anh sẽ mở thêm chuỗi hơn 20 cà phê di tích như vậy ở trung tâm Sài Gòn, Củ Chi, Bình Chánh… và nhân rộng ra Hà Nội, Thái Bình…
“Cho dù ở bất kỳ đâu, tôi mong muốn mọi người đều được biết về một thời kỳ sôi nổi, hào hùng và những hy sinh thầm lặng của cha ông chúng ta để giành độc lập tự do cho đất nước”, anh Bình nói.
Ký ức xưa “Sài Gòn – 1975”
Đạo diễn Lê Quốc Nam đã quá quen thuộc với khán giả của sân khấu kịch Sài Gòn, song có một Lê Quốc Nam khác mà không phải ai cũng biết, đó là ông chủ của quán cà phê độc đáo mang tên “Sài Gòn – 1975”. Thật ra, quán cà phê này đã được anh mở từ mấy năm trước, nhưng không quảng bá quá rầm rộ.
Nét độc đáo của cà phê “Sài Gòn – 1975” chính là nơi lưu giữ những vật dụng đặc trưng của Sài Gòn giai đoạn 1970-1980, được trưng bày theo những chủ đề khác nhau.
Đầu tiên, “Phòng dân sự” bao gồm những vật dụng gia đình với mong muốn tái hiện lại cuộc sống người Sài Gòn trước ngày giải phóng và trong thời kỳ bao cấp sau ngày giải phóng. Kế đến là “Phòng quân sự” trưng bày những đồ dùng quân sự trong cuộc chiến năm 1975. Trong khi đó, sân thượng được Lê Quốc Nam chọn là không gian mở, tái hiện hình ảnh Sài Gòn những ngày cuối cùng trước ngày giải phóng 30-4-1975. Điểm nhấn nằm ở quầy bar, đạo diễn Lê Quốc Nam tái hiện mô hình chiếc xe tăng 390 đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Trong quán còn có chiếc đồng hồ để giờ chết 11 giờ 30 phút. Đó cũng là mốc thời gian Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện.
Để sưu tầm được những kỷ vật mang nhiều ý nghĩa lịch sử cho quán cà phê này, Lê Quốc Nam đã mất gần 4 năm ròng rã ngược xuôi Bắc – Nam. Sở dĩ lâu như vậy vì có những đồ vật tìm lại rất khó, hoặc tìm ra nhưng chủ nhân của nó không đồng ý nhượng lại. Đặc biệt, tiêu chí của anh là tìm những đồ vật tuy cũ nhưng vẫn còn sử dụng được chứ không phải chỉ để trưng bày. Thế nên, tất cả những gì mà anh trưng bày trong “Sài Gòn – 1975” đều còn sử dụng tốt. Đặc biệt, trong đó là chiếc máy AKAI cổ được đặt ngay quầy thu ngân với mong muốn khi bước vào quán, mọi người sẽ được thưởng thức âm nhạc kỳ diệu từ chiếc máy này.
Đạo diễn Lê Quốc Nam kể rằng, ngày Sài Gòn giải phóng anh còn nhỏ tuổi nên không có nhiều ký ức về thời khắc lịch sử trọng đại ấy. Tuy nhiên, những gì xung quanh anh thời đó, nhất là những vật dụng trong nhà thì in đậm trong tâm trí anh. Đó là chiếc tivi cũ, máy đánh chữ, bi đông, chiếc máy may SINCO… Tất cả đều rất thân thương với anh. Sau này, chính những điều đó đã thôi thúc anh cất công đi sưu tầm những đồ vật cũ và làm nên “Sài Gòn – 1975” như bây giờ.
Đạo diễn Lê Quốc Nam chia sẻ: “Mục đích chính của tôi khi tái hiện không gian Sài Gòn những năm 1970-1980 là nhắc nhở mọi người, nhất là những người trẻ, nhớ về một giai đoạn lịch sử của thành phố. Chúng ta không được phép quên những gì mà cha ông ta đã phải trải qua để hôm nay chúng ta đã được sống tự do, hòa bình”.