Cải thiện thu nhập từ cà phê chỉ bằng con đường chất lượng

Nông dân phải tham gia các tổ chức sản xuất tập thể để cùng sản xuất ra những mặt hàng đồng nhất về mặt chất lượng và đưa ra thị trường với một khối lượng đủ lớn.

Niên vụ này đã là niên vụ thứ 3 giá cà phê trong nước liên tục ở mức rất thấp, sản xuất gần như không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Thiệt hại kép khi tình dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu, giá cà phê khó lòng cải thiện. Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do, ngành cà phê có nhiều cơ hội để cải thiện thu nhập, trở mình, vươn lên.

Để cùng nhìn nhận về nguyên nhân giá cà phê thấp và một số điểm đáng lưu ý đối với ngành hàng này khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột.

PV: Cà phê Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn khi giá liên tục ở mức thấp. Nguyên nhân ở đây là gì, có phải cung vượt cầu, sản xuất đang dư thừa, thưa ông?

Ông Trịnh Đức Minh: Trước hết, chúng ta phải thấy rằng cà phê hiện nay giá rất thấp, nguyên nhân cơ bản đầu tiên là vấn đề quan hệ cung cầu. Cung đang thừa và năm nay là năm thứ ba cung bị thừa, nên lượng tồn kho rất lớn và nhiều quốc gia sản xuất vượt sản lượng.

Lý do thứ hai cũng là lý do đặc biệt là năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm cho tiêu thụ giảm thấp xuống. Thứ ba nữa là nền kinh tế toàn cầu suy thoái, chắc chắn là việc tiêu thụ cà phê đã bị giảm sút nhiều. Những yếu tố kể trên làm cho giá cà phê không những thấp ở giai đoạn này mà được dự báo còn kéo dài nhiều năm nữa.

PV: Cà phê đang dư thừa, và một trong những việc phải làm đối với ngành hiện nay là giảm sản lượng thưa ông?

Ông Trịnh Đức Minh: Chiến lược không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng là một chiến lược chuyển đổi quan trọng của ngành cà phê. Chiến lược này đã diễn ra từ vài năm nay, tuy nhiên quá trình này còn rất chậm, nên diện tích và sản lượng cà phê không có giảm theo như quy hoạch.

Đề án phát triển cà phê Việt Nam cũng xác định diện tích trồng không vượt quá 600.000 ha. Tuy nhiên theo số liệu thống kê, diện tích cà phê hiện nay đã lên tới 650.000 ha, thậm chí còn cao hơn nữa.

Dự đối thoại nông dân lần thứ 3 tại Buôn Ma Thuột tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, cà phê Tây Nguyên là thương hiệu vàng, cà phê là cây chiến lược nhưng không phải mọi nhà đều trồng cà phê. Khi Thủ tướng nói không phải mọi người đều trồng cà phê, ý muốn nói rằng chúng ta không tiếp tục chạy theo số lượng, phải coi trọng hình ảnh về chất lượng, mà phải thực chất. Đó là một đường lối mà Thủ tướng nhắc nhở thêm để ngành cà phê tập trung vào.

PV: Có doanh nghiệp nói “Khi các hiệp định thương mại được ký kết nghĩa là các doanh nghiệp cà phê Việt Nam phải thi đấu với những người khổng lồ” trong ngành. Hiệp hội nhận định như thế nào về cuộc đấu này?

Ông Trịnh Đức Minh: Các hiệp định thương mại tự do thực ra là mở ra một cơ hội cho cà phê Việt Nam, đặc biệt là các loại cà phê chế biến. Trong cuộc đấu này, doanh nghiệp phải chủ động đưa các loại cà phê chế biến ra các thị trường lâu nay chúng ta chưa chiếm lĩnh được, hoặc là chúng ta chưa thể vươn tới, khó tính thí dụ như thị trường châu Âu hay thị trường Mỹ.

Để bước chân vào các thị trường này là điều hết sức khó khăn khi thị trường ở đây đã được định hình, thị phần đã được phân chia, nếu muốn nhảy vào đó doanh nghiệp phải cạnh tranh. Ngoài ra còn phải cạnh tranh với những doanh nghiệp FDI trên thị trường Việt Nam, người ta đã có các nhà máy chế biến cà phê, khử cafein và cà phê hòa tan và xuất sang châu Âu nhiều năm nay.

PV: Còn về cuộc đấu cà phê nhân thô sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Đức Minh: Đối với cà phê nhân thì dù cho không có các hiệp định thương mại tự do, chúng ta cũng phải chịu sự cạnh tranh với các quốc gia sản xuất cà phê nhân như là Brazil, Indonesia.

Vấn đề của chúng ta là muốn có lợi nhuận cao, cà phê phải được sản xuất với giá thành chấp nhận được để có lãi. Cà phê nhân của Việt Nam đang cố gắng đi theo hướng đó từ lâu nay, đã có rất nhiều dự án, chương trình để kéo giảm chi phí sản xuất của cà phê Việt Nam.

PV: Thị trường nước ngoài mở cửa theo hiệp định cho cà phê Việt Nam thì ở chiều ngược lại thị trường trong nước cũng sẽ mở cửa cho các hãng cà phê nước ngoài. Theo ông, có thay đổi nào cần phải chú ý ở thị trường cà phê trong nước, để các doanh nghiệp hạn chế tối đa việc mất thị trường “sân nhà”?

Ông Trịnh Đức Minh: Thị trường trong nước thực ra cà phê không chịu nhiều cạnh tranh . Lâu nay chúng ta cũng có thể nhập khẩu cà phê từ một số nước nhưng với số lượng không nhiều, chủ yếu là một số cà phê chất lượng cao để làm cà phê đặc sản.

Hiện nay chúng ta cũng đang cố gắng phát triển cà phê chất lượng cao lên để giảm bớt nhập khẩu cà phê chất lượng cao từ nước ngoài. Đặc biệt, cần quan tâm đến chất lượng cà phê để làm sao khi người tiêu dùng Việt Nam là một người khổng lồ của sản xuất cà phê phải được tiêu dùng, phải được hưởng thụ ở cà phê chất lượng cao với giá cả hợp lý.

PV: Trước các vấn đề, các việc mà ngành cà phê cần phải làm, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ vào cuộc như thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Đức Minh: Hiệp hội lâu nay cũng đã theo định hướng chung của ngành cà phê, đó là cải thiện chất lượng thực chất cũng như về hình ảnh. Qua đó để quảng bá cho mọi người thấy rằng, Việt Nam không chỉ là một quốc gia sản xuất nhiều cà phê mà có khả năng, có tiềm năng sản xuất cà phê chất lượng cao.

Hiệp hội đã khai mở cộng đồng cà phê, khai thác thêm một phân khúc thị trường cao hơn đó là cà phê đặc sản, thông qua đào tạo người nông dân chế biến cà phê đặc sản. Hiệp hội tổ chức các cuộc thi, tổ chức các sàn thương mại để cà phê đặc sản phổ biến ở thị trường trong nước và có thể vươn ra nước ngoài.

PV: Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, Hiệp hội có thông điệp gì gửi đến nông dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý?

Ông Trịnh Đức Minh: Thông điệp quan trọng nhất Hiệp hội cà phê muốn nhắn gửi là, trong giai đoạn càng khó khăn về vấn đề giá cả, con đường duy nhất để người trồng cà phê cải thiện thu nhập, lợi tức là chất lượng. Muốn có cà phê chất lượng cao, nông dân phải tham gia các tổ chức sản xuất tập thể để cùng sản xuất ra những mặt hàng đồng nhất về mặt chất lượng và đưa ra thị trường với một khối lượng đủ lớn.

Một tập thể sẽ có đủ sức mạnh để giúp đỡ cho nông dân vượt qua những khó khăn, hoặc nông dân có nguồn lực ban đầu để canh tác cà phê một cách bền vững. Nhà nước cần hỗ trợ những chính sách thực chất để cho người nông dân tin tưởng rằng, nếu họ làm cà phê chất lượng cao họ sẽ bán được giá cao. Đó là những điều mà chúng tôi đang đeo đuổi.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Bài viết liên quan