Chân dung Việt kiều bỏ việc lương nghìn USD tại ngân hàng Úc, về Việt Nam khởi nghiệp quán cà phê chỉ để được… nói tiếng Việt nhiều hơn

Mối dây nguồn cội từ Tâm thức

Còn nhớ cách đây không lâu bên lề phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng nhấn mạnh các con của mình cần có ý chí vượt qua chuyện riêng của gia đình và sẽ kế thừa sự nghiệp tại Trung Nguyên. Ông chắc chắn rằng những người con của mình có chung chí hướng  sự nghiệp mà ông tạo nên. Nhiều người khá bất ngờ với khẳng định này.

Ở đây Qua nói thêm, biết về “hiệu ứng cá hồi ” không? Cá hồi nó có thể đi ra tới đâu mặc kệ nó, ra biển ra hồ sống nhưng tới giờ tới giấc nó phải quay về lại. Cũng giống như người Việt đi 5 châu 4 biển già cội rồi trong tâm tư cũng hướng về“, chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ phân tích. Ông Vũ cho biết trong tâm thức điều này sẽ xảy ra.

Cá hồi ngược dòng từ biển trở về sông nơi nó sinh ra.

Thuật ngữ salmon xuất xứ từ chữ La tinh salmo, và chữ này lại có gốc từ salire, có nghĩa “nhảy”. Cá hồi (salmon) là loài được cho rằng sẽ trở về đúng nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng. Hiệu ứng cá hồi để chỉ về việc quay trở lại và cống hiến cho quê hương, nguồn cội và cụ thể ở đây là quay về Việt Nam.

Thật tình cờ trong một bài phỏng vấn cách đây khá lâu, giáo sư vật lý nổi tiếng tại Mỹ, Phạm Quang Hưng cũng từng chia sẻ rằng: “Đừng nghĩ rằng một người ra nước ngoài học tập là ở hẳn bên đấy luôn, không về nước nữa. Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, không phải ai cũng mang tâm lý rời bỏ Tổ Quốc, bởi vì trong thâm tâm, mỗi người đều có một mối dây tình cảm gắn bó với quê hương.

Thứ hai, không phải ai cũng tìm được cho đứng cho mình ở nước ngoài, bởi ngay cả học hành thành đạt thì sự cạnh tranh gay gắt ở các trung tâm nghiên cứu của các nước phát triển cũng không cho phép tất cả mọi người có việc làm phù hợp với chuyên môn.

Mối dây nguồn cội là thứ kéo nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ vị thế an toàn, cuộc sống ổn định để về Việt Nam trong sự hoài nghi, khó hiểu của số đông những người trong nước muốn tìm cách ra đi tìm cuộc đời mới tại một miền đất mới.

“Tôi về Việt Nam ở thời điểm 30 tuổi và đang có công việc khá tốt với vị trí trưởng nhóm sau 9 năm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng tại Úc. Công việc bàn giấy văn phòng lặp đi lặp lại cùng với mong ước muốn được về quê hương của cha mẹ để học được ngôn ngữ mẹ đẻ trơn tru cứ âm ỉ trong đầu khiến tôi quyết tâm trở về Việt Nam để tạo dựng một cuộc sống mới“, Nam Nguyễn – một người Việt trẻ lớn lên và có quốc tịch tại Úc chia sẻ. Biến cố lớn trong đời được anh nhắc lại khi người Bố mắc bệnh ung thư khiến Nam phải quay về Úc để chăm sóc nhưng sự ra đi của Bố vì căn bệnh hiểm nghèo sau đó đã khiến Nam càng băn khoăn hơn mình sẽ nên làm gì và ở đâu.

Cuối cùng thì chàng trai Úc gốc Việt nói tiếng Việt chưa sõi đã về Việt Nam lập nghiệp và ngày càng tin tưởng vào cơ hội phát triển của đất nước với cơ cấu dân số trẻ cũng như đang nổi lên như điểm sáng trong khu vực đặc biệt với việc khống chế thành công dịch Covid-19.

Dù mức lương ngành ngân hàng tại Úc khá cao nhưng niềm thôi thúc trở về và rời bỏ vùng an toàn đã đẩy Nam Nguyễn đến quyết định về nước khởi nghiệp. Nam cho rằng nếu sống an phận trong vùng an toàn thì con người sẽ không thể phát triển được những tiềm năng vô hạn ẩn sâu trong họ. Nên ý tưởng startup tại Việt Nam của anh còn được xem là điên rồ khi dấn thân vào  ngành F&B với việc mở quán cà phê tại một thị trường đầy khốc liệt với những ông lớn như Trung Nguyên, Highlands, The Coffee House, Cộng, Kafa Cafe… cho đến những quán không tên nơi phố hẻm.

Nằm trên phố Hàng Lược tấp nhập, quán cà phê của anh chàng Việt kiều này nổi bật với tông màu xanh dương và trắng. Nếu ai đã từng ghé qua quán cà phê nổi tiếng Market Lane tại Melbourne, Úc hay Patricia Barrio Collective ở Canberra sẽ cảm thấy Drop In Cafe khá quen thuộc với thiết kế hiện đại, quầy bar tỉ mẩn và là trung tâm kết nối của quán.

Tôi tuy lớn lên ở Úc nhưng luôn có cảm giác mình rơi vào vùng giao thoa giữa 2 nền văn hóa. Vốn là người đam mê cà phê, về Việt Nam mở quán vừa giúp tôi có cơ hội giao tiếp với mọi người bằng Tiếng Việt ở quê hương nhưng cũng giúp tôi mang văn hóa cà phê Úc về đây. Văn hóa cà phê Việt Nam và Úc theo tôi nghĩ có độ lớn và phổ biến như nhau“, Nam Nguyễn chia sẻ.

Về sản xuất cà phê, Úc không phải là nước sản xuất cà phê lớn. Tuy nhiên, thị trường cà phê Úc là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, đạt doanh thu lớn hơn 1,4 tỷ USD Mỹ trong năm 2017 theo số liệu của Statista. Trung bình, người Úc tiêu thụ khoảng 1,91 kg cà phê mỗi người vào năm 2019, trong đó 1,39 kg là cà phê rang và khoảng 0,53 kg là cà phê hòa tan. Xem xét mức tiêu thụ bình quân đầu người, người Úc thua xa Phần Lan, các nước Scandinavi và các nước châu Âu khác, nhưng vẫn nằm trong số 30 quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu.

Doanh thu của các quán cà phê và cửa hàng cà phê ở Úc được dự báo sẽ đạt khoảng 5 tỷ đô la Úc với giá trị dự báo tăng thêm trong ngành công nghiệp khoảng 1,57 tỷ đô la Úc trong năm tài chính 2020. Ước tính 96.000 người sẽ được tuyển dụng trong các quán cà phê và cửa hàng cà phê ở Úc trong cùng năm đó.

Người Úc thích uống cà phê với nhiều sữa, ít khi họ uống cà phê đặc. Không giống người Ý – thích uống cafe trong một cốc ngắn, màu sắc đậm, người Úc thích cà phê latte hơn. Họ thích cappuccino, và đặc biệt là “flat white” (sữa nóng trên bề mặt).

Họ thích uống cà phê trên đường đi. Khoảng 23% của tất cả các đơn đặt hàng cà phê là dưới hình thức mang đi (take away), Úc xếp thứ tư Úc sau Nhật Bản, Hoa Kỳ và Canada về loại hình này. Mỗi cửa hàng phục vụ cà phê tại Úc đều phải có 1 barista chuyên nghiệp – người am hiểu và biết cách pha chế cà phê một cách hoàn hảo.

Điểm đặc biệt của văn hóa cà phê Úc là sự thân thiện. Bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa Drop In Cafe và những chuỗi cà phê lớn khác ở điều này. Ở những quán cà phê khác bạn được phục vụ dịch vụ rất chuẩn hóa nhưng tại Drop in bạn sẽ cảm nhận được sự tương tác giữa con người với con người rất riêng. Đó là sự kết nối của các nhân viên phục vụ, đồ uống và khách hàng“, anh chàng này chia sẻ. Đây cũng là điểm khác biệt mà Nam tự tin cho rằng khách hàng đến Drop in thường sẽ có chủ đích và muốn được tận hưởng không gian dịch vụ khác biệt được mang từ Úc về.

Để làm được điều này, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Vốn lớn lên tại Úc đồng thời từng có thời gian dài làm việc trong ngành tài chính ngân hàng nên Nam xây dựng cho đội ngũ nhân sự của mình những kỹ năng chuyên nghiệp và chuẩn hoá cao để sau này có thể phát triển cho con đường sự nghiệp trong tương lai. Điều này khiến nhân viên của Drop in vui vẻ làm việc, học hỏi, chuyên nghiệp và từ đó lan tỏa ra văn hóa phục vụ của quán.

Người Việt Nam có tố chất nhưng tiêu chuẩn về quy trình làm việc khá thấp. Họ dễ thỏa hiệp để nhanh chóng đạt lợi ích ngắn hạn mà bỏ mất lợi ích dài hạn. Nếu nâng cao được tiêu chuẩn làm việc cũng như tư duy win-win trong kinh doanh thì Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng“, Nam nhớ lại quãng thời gian sốc văn hóa cách 3 năm khi mới về nước.

Nam kể: “Tôi sống trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội, cứ mỗi sáng ra đường đi làm tôi nhìn thấy các bà các chị bán bún, bán rau, bán hoa đều bận rộn tất bật. Tôi thực sự thích cái tinh thần chăm chỉ tích cực của con người nơi đây khiến ngày nào đối với tôi cũng là những ngày đầy hứng khởi và hạnh phúc“.

Tự nhận mình khá điên khùng khi từ bỏ cuộc sống nhàn hạ, giản đơn có nhiều tiền để về Việt Nam khởi nghiệp bấp bênh, nhưng Nam Nguyễn tin rằng khi ở mãi trong vùng an toàn thì tất cả năng lực, tiềm năng tiềm ẩn không thể được phát triển.

Vì thế nên, dù mở một quán cà phê là lựa chọn khó nhưng với anh là điều thú vị và thách thức hơn, cũng như đó là cách tốt nhất để hiểu về văn hoá, con người Việt Nam chính là nguồn cội của chính con người anh.

Bài viết liên quan