Ngoài 100 điểm bán đã ra mắt tại 15 tỉnh thành, chuỗi cà phê Ông Bầu hiện có hơn 600 hồ sơ đang thẩm định, đặt mục tiêu lên đến 10.000 quán vào năm 2022.
Theo đại diện chuỗi cà phê Ông Bầu, trong số hàng trăm nhà đầu tư đó có những người đang kinh doanh cà phê và muốn đổi sang hợp tác thương hiệu Ông Bầu, cũng có người chân ướt chân ráo khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, không nhiều kinh nghiệm lẫn vốn liếng.
Uy tín của những nhà sáng lập, ưu thế về giá thành và nguyên liệu kết hợp cùng mô hình kinh doanh tạo giá trị cho xã hội chính là các yếu tố thu hút và nhận được sự ủng hộ của các đối tác đầu tư dù thương hiệu Ông Bầu chỉ mới xuất hiện trên thị trường cà phê từ tháng 2.
Ba nhà sáng lập Cà phê Ông Bầu.
Uy tín từ ba ông bầu
Một trong những yếu tố quan trọng thu hút các đối tác hợp tác kinh doanh chính là tâm huyết của ba nhà sáng lập gồm các doanh nhân Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch công ty Hoàng Anh Gia Lai, Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT công ty Đồng Tâm và Trần Thanh Hải – Chủ tịch công ty NutiFood.
Thay vì chỉ xuất hiện trên các tấm poster hay hình ảnh quảng cáo, ba ông bầu với khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng không ít lần xuất hiện với hình ảnh nhân viên phục vụ của cà phê. Điển hình như trong ngày khai trương quán cà phê Ông Bầu đầu tiên vào tháng 2/2020, bầu Thắng và bầu Hải là người trực tiếp nhận yêu cầu của khách hàng.
Tại buổi khai trương quán ở Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM, đánh dấu cột mốc 100 điểm bán vào đầu tháng 7, ba doanh nhân này cũng mang đến hình ảnh gần gũi, thân thiện. Không cần sân khấu, phông màn cầu kỳ, họ chia sẻ những câu chuyện về thương hiệu ngay trên chiếc ghế đẩu, vừa kể vừa nhâm nhi ly cà phê đá đặt trên chiếc bàn gỗ mộc. Những hoạt động không khoảng cách, chân thật này tiếp thêm động lực để nhiều người tin tưởng vào slogan “Sống thật – Cà phê thật” của Ông Bầu.
Không chỉ là những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh, cả ba ông bầu còn được nhiều người biết tới vì gắn liền với bóng đá nước nhà. Vì hâm mộ các ông, nhiều đối tác đã tìm đến để uống thử cà phê Ông Bầu, sau đó thích thú với hương vị và quyết định hợp tác kinh doanh.
Ông Nguyễn Thế Dương – chủ cửa hàng cà phê Ông Bầu tại Hà Nội, cho biết: “Tôi ấn tượng với câu slogan ‘Sống thật – Cà phê thật’, tương tự với phong cách của các ông bầu mà tôi ngưỡng mộ. Làm việc gì các ông cũng tâm huyết nên tôi tin cà phê của các ông sẽ thành công”.
Cà phê thật, giá bình dân
Cà phê Ông Bầu có nguồn nguyên liệu cà phê đến từ Cada – nông trường có bề dày gần một thế kỷ, một trong những nơi người Pháp chọn đặt cây cà phê Robusta đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1922. Thương hiệu này cam kết cà phê bán ra được pha chế hoàn toàn thật và nguyên chất, nhưng giá mỗi ly đến tay khách hàng lại chỉ từ 16.000 đồng, trong đó đã bao gồm 1.000 đồng được Ông Bầu đóng góp cho Quỹ phát triển tài năng Việt.
Mở rộng chuỗi quán cà phê Ông Bầu còn là cách giúp người nông dân cải thiện thu nhập với hạt cà phê thật.
Bên cạnh những ly cà phê đen đá hay sữa đá, quán Ông Bầu còn đa dạng hóa menu với nhiều thức uống hấp dẫn như trà trái cây, sinh tố sữa, thức uống dinh dưỡng phù hợp nhu cầu sử dụng cho khách hàng mọi lứa tuổi.
Chất lượng sản phẩm và phục vụ của các cửa hàng nhượng quyền hiện đều được đồng nhất trên toàn hệ thống. Hương vị Ông Bầu thưởng thức ở cửa hàng trung tâm Sài Gòn hay xe đẩy tại các vùng ven đều không có sự khác biệt nào. Bên cạnh đó, tất cả các nguồn nguyên liệu của Ông Bầu được cung cấp bởi NutiFood, một trong những doanh nghiệp dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam.
Đội ngũ từ Ông Bầu sẽ hỗ trợ các đối tác thẩm định địa điểm kinh doanh và tổ chức huấn luyện pha chế, trang trí quán… Đối với những cá nhân có nguồn vốn ít, chuỗi cà phê này còn giúp kết nối với ngân hàng để có thêm tài chính cho mục tiêu kinh doanh.
Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT công ty Đồng Tâm cho biết, thách thức của đội ngũ Ông Bầu ngay từ những ngày đầu cho đến nay vẫn là làm sao tìm ra mô hình kinh doanh tối ưu cho người lao động Việt Nam, xây dựng được thói quen uống cà phê không pha trộn. Mô hình đó còn hướng đến mục tiêu có thể đóng góp cho xã hội.
Kiến tạo giá trị cho xã hội
Bên cạnh mong muốn người tiêu dùng trên cả nước sẽ được uống cà phê thật, các nhà sáng lập Ông Bầu còn thống nhất xây dựng Quỹ phát triển tài năng Việt, quỹ ươm mầm và tiếp lửa cho những tài năng Việt được tiếp tục theo đuổi đam mê và nuôi dưỡng nhiệt huyết của mình. Với hình thức này, mỗi đối tác nhượng quyền không chỉ giải được bài toán kinh doanh, mà còn đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội.
Theo chia sẻ của ông bầu gốc Long An, với mô hình xe bán di động, chi phí đầu tư thấp 70 triệu, đặt đúng vị trí sẽ dễ dàng có doanh số trung bình một ngày ít nhất từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.
Khách thưởng thức cà phê bên trong quán cà phê Ông Bầu.
“Chủ quán nếu lấy công làm lời sẽ có thu nhập tốt, người tiêu dùng thì được uống cà phê thật với giá phải chăng từ 16.000 đồng và mô hình này cũng đóng góp cho Quỹ phát triển tài năng Việt bởi mỗi ly nước nước sẽ được trích ra 1000 đồng ủng hộ cho quỹ”, ông Võ Quốc Thắng nói.
Với mục tiêu mang cà phê thật, không độn đến cho người tiêu dùng Việt, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, chuỗi cà phê Ông Bầu hướng đến mục tiêu đạt 10.000 điểm bán đến năm 2022.
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch công ty Hoàng Anh Gia Lai cho biết thêm, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân trong nước lại chưa hưởng hết thành quả lao động của mình. Các quán cà phê Ông Bầu sẽ là một trong những cách tăng thêm thu nhập cho người nông dân và trả lại giá trị của cà phê thật. Việc mở hàng nghìn điểm bán trên toàn quốc cũng giúp giải quyết khối lượng lớn việc làm cho người lao động.