Lan tỏa phong trào tái canh cà phê trong cộng đồng dân tộc Ê Đê

Từng bước thay đổi nhận thức, chú trọng hơn quy trình canh tác, phong trào tái canh cà phê từ dự án VnSAT đang lan tỏa rộng rãi khắp cộng đồng đồng bào Ê Đê.

Phong trào tái canh cà phê bắt đầu lan rộng trong Buôn Sút H’luốt (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) bắt đầu từ năm 2018. Lúc bấy giờ, những vườn cao su trong Buôn không còn hiệu quả nên rất nhiều hộ dân đã quyết định chuyển qua trồng cà phê.

Vườn cà phê trĩu quả của gia đình bà HĐàn Niê. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê trĩu quả của gia đình bà HĐàn Niê. Ảnh: Tuấn Anh.

Cùng nhau tái canh cà phê

 Đến Buôn Sút H’luốt, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những vườn cà phê tái canh xanh mơn mởn, cành cây trĩu quả, trải dài hàng cây số. Càng bất ngờ hơn khi những vườn cà phê này là của cộng đồng đồng bào dân tộc Ê Đê.

Có mặt tại vườn cà phê của gia đình ông  Y Lhiăm Niê (Buôn Sút H’luốt) chúng tôi bị choáng ngợp bởi mô hình tái canh cà phê kết hợp trồng cây ăn trái mà gia đình ông đang thực hiện.

Ông Y Lhiăm cho biết, gia đình ông có 4 ha trồng cà phê, trong đó có 2,9 ha cà phê tái canh năm 2018. Trước đây, gia đình ông liên kết với nông trường 30/4 để trồng cây cao su. Tuy nhiên, trồng cao su không còn mang lại hiệu quả, nên gia đình lấy lại đất và thực hiện chuyển đổi tái canh cà phê.

Ông Y Lhiăm cho biết, nhờ sự hỗ trợ của dự án VnSAT thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật trồng cây ca phê từ quy trình làm đất, đào hố, bón phân cho đến chăm sóc, đặc biệt, VnSAT hỗ trợ các loại giống cà phê chất lượng nên vườn cà phê phát triển rất tốt.

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cà phê xanh mơn mởn, quả trĩu cành, ông Y Lhiăm vui mừng cho biết, khoảng tháng 11 năm nay sẽ cho thu bói ước đạt khoảng gần 1 tấn nhân/ha. “Nhờ sự hỗ trợ của VnSAT, chúng tôi thực hiện tốt việc cải tạo đất kỹ và bón phân nên dịch bệnh được kiểm soát, cây phát triển mạnh. Vườn cà phê phát triển tốt hơn hẳn so với những vườn cà phê già cỗi trong vùng” ” – ông Y Lhiăm nói và cho biết.

Không chỉ trồng mới cà phê, ông Y Lhiăm còn trồng xen canh cây ăn quả vừa làm cây che bóng vừa tăng thu nhập cho gia đình. Hiện vườn cà phê của ông Niê trồng xen 380 cây cà phê và 300 cây mít Thái.

Theo ông Y Lhiăm, trong 2 năm qua gia đình ông đã đầu tư thêm hơn 400 triệu đồng trồng tái canh cà phê, trồng xen cây ăn quả. Dự kiến bước sang năm thứ 3, vườn cà phê xen cây ăn trái của gia đình sẽ cho thu hoạch.

Chia tay vườn cà phê của gia đính ông Y Lhiăm, chúng tôi ghe thăm vườn cà phê của gia đình Bà HĐàn Niê (Buôn Sút H’luốt, xã Cư Sê, huyện Cư Mga). Bà HĐàn là Buôn trưởng Buôn làng Sút H’luốt cũng thực hiện tái canh cà phê từ năm 2018, vườn cà phê của gia đình bà HĐàn đang phát triển tốt, cây xanh tươi và rất đều nhau, cùng với đó những quả cà phê mọc lên kín các cành.

Chất lượng cà phê tái canh được đánh giá rất cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Chất lượng cà phê tái canh được đánh giá rất cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà HĐàn cho biết, sau khi được tham gia lớp tập huấn của VnSAT, bà quyết định thử nghiệm trồng 3 sào cà phê tái canh. Do vườn cà phê của gia đình được chọn làm mô hình tái canh cà phê bền vững nên được hỗ trợ 100% chi phí cây giống, công chỉ đạo kỹ thuật, chi phí quản lý mô hình và 50% chi phí phân bón, vôi, thuốc BVTV…

“Với việc tái canh bằng giống mới TR4 cùng quy trình kỹ thuật của VnSAT, vườn cà phê của gia đình bà HĐàn phát triển rất nhanh. Chỉ chưa đầy 2 năm, cây đã cao gần 1,6 m, trái mọc đều phủ kín các cành” – bà HĐàn chia sẻ.

Theo bà HĐàn, hiện gia đình còn 9 sào cà phê cũng đã già cỗi cho năng suất rất thấp. Chính vì vậy, gia đình đang tiến hành tái canh cà phê hết diện tích còn lại theo phương thức trồng mới. Cùng với đó, bà HĐàn Niê thực hiện trồng xen sầu riêng và bơ để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Cách đó không xa, gia đình nhà ông Y Thương Ê Ban (Buôn Sút H’luốt) trồng 2,9 ha cà phê, trong đó đã có 6 sào tái canh từ năm 2018. Chỉ tay vào vườn cà phê tái canh chuẩn bị bước sang năm thu bói thứ 2, ông Y Thương Ê Ban tự tin về năng suất có thể đạt hơn 7 tạ nhân/ 6 sào. Hiện tại, ông Y Thương Ê Ban đang đào hố để tiếp tục thực hiện tái canh thêm 1,2 ha thay thế vườn cây cà phê già cỗi.

Cũng giống như phần lớn các hộ dân trong vùng, ông Y Thương Ê Ban cũng thực hiện trồng xen cây sầu riêng và bơ là cây che bóng để tăng thêm thu nhập. Hiện trong vườn anh Ê Ban trồng 40 cây sầu riêng được hơn 2 năm. Dự kiến bước sang năng thứ 5, sầu riêng sẽ cho thu hoạch.

Bài viết liên quan