Lão nông Hoàng Châu Hồng, ở thôn 4, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông vừa vượt qua nhiều tên tuổi lớn trong cả nước để chiếm lĩnh “ngôi vị”… số 1 cà phê đặc sản Việt Nam.
Mới đây, ông Hoàng Châu Hồng đã đưa sản phẩm cà phê của gia đình tự nghiên cứu, chế biến đi tham dự Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ 2 năm 2020, tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Cuộc thi được tổ chức theo mô hình của các cuộc thi cà phê đặc sản ở những nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Việc đánh giá chất lượng cà phê thực hiện theo quy trình, thủ tục do Tổ chức Cà phê đặc sản quốc tế ban hành và được cộng đồng cà phê đặc sản thế giới áp dụng.
Tại cuộc thi này, Ban tổ chức đã mời các thành viên giám khảo có Chứng chỉ đánh giá chất lượng cà phê do Viện chất lượng cà phê quốc tế cấp. Cà phê sau khi được đánh giá là “Specialty” được Viện chất lượng cà phê quốc tế (Coffee Quality Institute – CQI) cấp chứng nhận để sử dụng khi bán ra thị trường.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam năm 2020 có tất cả 36 đơn vị đăng ký dự thi đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sơn La, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk…với 33 mẫu cà phê Robusta và 23 mẫu cà phê Arabica. Các đơn vị dự thi phải trải qua các vòng thi với quy trình chặt chẽ, theo mô hình của các cuộc thi cà phê đặc sản hàng đầu thế giới.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao cúp cho 3 mẫu cà phê Arabica và 3 mẫu cà phê Robusta có số điểm cao nhất. Trong đó, sản phẩm cà phê Coffee Specialty của lão nông Hoàng Châu Hồng được chấm điểm cao nhất với số điểm 84,63 điểm (thang điểm 100) ở lĩnh vực cà phê Robusta.
Để có kết quả như ngày hôm nay, ông Hồng đã trải qua nhiều năm tháng sản xuất cà phê theo cà phê theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Hồng cho biết, những năm qua, 4 ha cà phê được gia đình canh tác hoàn toàn tự nhiên bằng cách dùng phân bón, thuốc phòng sâu hại hữu cơ. Vườn cà phê của ông có cây che bóng mát, dưới gốc luôn được phủ đầy cỏ dại để tạo nên sinh thái vườn cây.
Theo ông Hồng, để tạo ra được sản phẩm cà phê đặc sản có hương vị riêng, ngoài việc thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ thì các yếu tố thu hái và chế biến cũng góp phần quyết định đến sự thành công trong việc tạo ra sản phẩm. Theo đó, hạt cà phê khi thu hái phải bảo đảm độ chín đạt 100%, hái đúng thời điểm khi hạt chín vừa phải.
Sau khi thu hái, hạt cà phê sẽ được cho vào nước rửa sạch, loại bỏ những hạt không đạt chất lượng. Để hạt cà phê bình thường trở thành cà phê đặc biệt, ông Hồng tiến hành cho lên men trong vòng 4-6 ngày để tạo hương vị cho hạt cà phê rồi đem ra phơi trên sàn lưới và trải qua các công đoạn chế biến khác.
Vụ cà phê năm 2019, ông Hoàng Châu Hồng đã sản xuất được 800 kg cà phê đặc sản Coffee Specialty. Khi tham dự Cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam năm 2020, sản phẩm cà phê của gia đình ông được ban tổ chức và các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao. Họ khẳng định mẫu Coffee Specialty xuất sắc, hương thơm phong phú, cường độ mạnh, kéo dài, khi pha với nước nguội vẫn thơm ngon…
Sau khi đạt giải nhất, 800 kg cà phê Coffee Specialty của gia đình ông Hồng được các đơn vị khác thu mua hết. Hiện nhiều nhà rang xay cà phê ở thành phố Hồ Chí Minh đã xúc tiến đặt hàng sản phẩm Coffee Specialty. Giá Coffee Specialty hiện dao động ở mức từ 200.000 – 300.000 đồng đồng/kg, cao gấp 2 – 3 lần so với giá cà phê khác trên thị trường.
Ông Hồng phấn khởi: “Hiện nay, nếu áp dụng quy trình làm Cà phê Đặc sản, 1 ha cà phê này có thể cho thu nhập bằng 10 ha cà phê thông thường”.
Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ cho biết, việc ông Hồng đạt giải cao tại cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam đã giúp nhiều người nông dân ở địa phương được mở mang tầm nhìn, chỉ cần chịu khó học hỏi, dám nghỉ, dám làm thì thành công nhất định sẽ đến người nông dân. Sắp tới địa phương sẽ phối hợp với ông Hồng để nhân rộng mô hình, nâng cao gia trị sản phẩm cà phê ở địa phương.