Nâng cao năng lực pha chế cà phê nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa

Triển khai chương trình thúc đẩy nâng cao tiêu dùng cà phê nội địa của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức chương trình đào tạo nâng cao năng lực pha chế cà phê vào ngày 22/10, tại Hà Nội.

Nội dung chương trình được các chuyên gia có kinh nghiệm đầu ngành tham gia giảng dạy. Các học viên sẽ được tìm hiểu sâu hơn về xu hướng tiêu dùng cà phê trong nước cũng như quốc tế, được các chuyên gia trực tiếp giảng dạy cũng như giải đáp những thắc mắc, được thực hành các kỹ thuật rang và thử nếm cà phê trực tiếp với sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam – cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil. Về cà phê Robusta, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt khoảng 2,6 – 3,3 tỷ USD.

5949-nang-cao-nang-luc-pha-che-ca-phe
Chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực pha chế cà phê

“Trên thế giới, cà phê được xem là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới luôn có xu hướng tăng trong những năm qua. Theo thống kê của ICO, mỗi ngày thế giới tiêu thụ khoảng 2,25 tỷ cốc cà phê và nhu cầu tiêu thụ cà phê hàng năm của toàn thế giới ước tăng trung bình hơn 2%” – ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, chương trình kích cầu tiêu dùng của các nước thành viên xuất khẩu cà phê của ICO nhằm hỗ trợ các nước tăng tỷ lệ tiêu dùng trong nước, hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng giá cà phê toàn cầu, đặc biệt là tại các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam trong 4 năm qua.

Chương trình hỗ trợ này có các báo cáo nghiên cứu đánh giá lại tiêu dùng trong nước của các nước châu Á và Việt Nam trong những năm gần đây; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức hiểu biết về kỹ thuật rang xay pha chế cà phê có chất lượng nhằm kích cầu khuyến khích người tiêu dùng sử dụng cà phê nguyên chất Việt Nam có chất lượng cao.

“Chương trình đào tạo nâng cao năng lực pha chế cà phê hôm nay là lớp tập huấn đầu tiên tại Hà Nội và sẽ tiếp tục tổ chức 2 lớp tại TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/2020 với đội ngũ giảng viên là những chuyên gia rang, thử nếm, pha chế chuyên nghiệp được Hiệp hội Cà phê đặc sản (SCA) cấp chứng nhận; đối tượng tham dự là các doanh nghiệp, chuỗi quán cà phê rang xay, chế biến cà phê tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên” – ông Nguyễn Nam Hải cho hay.

Ông Nguyễn Viết Vinh – Chánh văn phòng Hiệp hội cà phê cao cao Việt Nam – chia sẻ thêm, theo thống kê hiện nay tại Việt Nam có khoảng hơn 500.000 quán cà phê (bao gồm cả chuỗi quán, quán cà phê lẻ, quán cà phê vỉa hè…) tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Người tiêu dùng cà phê Việt Nam ngày càng có xu hướng tiêu dùng cà phê nguyên chất. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng cà phê của người dân Việt Nam vẫn còn thấp. Theo số liệu công bố của ICO, niên vụ cà phê 2018/2019 Việt Nam tiêu dùng khoảng 162.000 tấn cà phê.

Theo các chuyên gia, cà phê Việt Nam trồng trên đất đỏ cao nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, các tỉnh phía Bắc… có độ cao từ 400m so với mặt nước biển nên có hương vị thơm ngọt chứ không thơm nóng như cà phê Indonesia. Hiện nay, cà phê chủ yếu được chế biến theo phương pháp rang xay, hòa tan…

Trong đó, đa số các cơ sở chế biến cà phê rang xay tại Việt Nam, nhất là các cơ sở quy mô nhỏ chủ yếu sử dụng công nghệ rang tiếp xúc và xay đĩa (sử dụng ma sát là tác nhân chính làm vỡ cấu trúc hạt cà phê rang để tạo cà phê rang xay). Riêng các doanh nghiệp FDI và một số doanh nghiệp chế biến cà phê lớn có uy tín trong nước có sử dụng công nghệ rang xay tiên tiến hơn là rang bằng khí nóng và xay trục (sử dụng lực nén ép là chính kết hợp ma sát để làm vỡ hạt cà phê). Sản phẩm cà phê rang xay gồm cà phê bột pha phin, cà phê túi lọc, cà phê zipper, cà phê capsule và là nguyên liệu đầu vào của chế biến cà phê hòa tan.

Bài viết liên quan