Trái ngược với Vinacafé Biên Hòa, sự phình to của chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là nguyên nhân gây ra sự lao dốc trong lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên.
Dù không bất ngờ nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, giới đầu tư vẫn tỏ ra rất hứng thú với tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt lên tới 250% của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF), tương đương 25.000 đồng/cổ phiếu.
Tiền dự kiến về tài khoản của cổ đông vào ngày 2/11 tới.
So với thị giá chốt phiên 16/10 ở mức 247.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức đem về cho nhà đầu tư lên đến trên 10%, cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi ngân hàng. Trong 10 phiên gần đây, VCF ghi nhận tới 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng kịch trần 7%.
Trước đó, vào năm 2018, Vinacafé Biên Hòa đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ lên đến 660%. Năm 2019 là 240%.
Sở dĩ Vinacafé Biên Hòa có thể duy trì cổ tức “khủng” như vậy là bởi lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng trưởng rất tốt kể từ khi về tay Tập đoàn Masan, đặc biệt trong những năm gần đây.
Ở chiều đối nghịch, “vua cà phê Việt” – Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên – lại cho thấy sự sa sút rõ rệt xét trên khía cạnh hiệu quả kinh doanh khi lợi nhuận liên tục suy giảm, trong bối cảnh doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nhất định bởi tranh chấp nội bộ giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như các chiến lược mới mà tập đoàn này áp dụng trong những năm gần đây.
Trên thực tế, doanh thu của Tập đoàn Trung Nguyên vẫn duy trì quy mô và xu hướng biến động tốt hơn so với Vinacafé Biên Hòa.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, năm 2016, doanh thu của Tập đoàn Trung Nguyên đạt trên 3.800 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 500 tỷ đồng so với Vinacafé Biên Hòa.
Đến năm 2019, doanh thu của Tập đoàn Trung Nguyên tăng lên mức trên 4.200 tỷ đồng, trong khi đó, doanh thu của Vinacafé Biên Hòa giảm xuống còn gần 3.100 tỷ đồng. Khoảng cách được giãn rộng ra cỡ trên 1.100 tỷ đồng.
Không chỉ doanh thu mà giá vốn của Tập đoàn Trung Nguyên cũng tích cực hơn Vinacafé Biên Hòa. Tính toán cho thấy, tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên luôn thấp hơn.
Cụ thể, năm 2016, giá vốn “ngốn” chỉ 59% doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên, trong khi đó, con số ở Vinacafé Biên Hòa là 64%.
Đến năm 2019, tỷ trọng này ở Tập đoàn Trung Nguyên là 68%, trong khi ở đối thủ là 72%.
Tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần thấp hơn đồng nghĩa biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Trung Nguyên cao hơn Vinacafé Biên Hòa.
Nhìn vào doanh thu và tỷ trọng giá vốn của hai “ông lớn” cà phê trong 4 năm gần đây, có thể thấy Tập đoàn Trung Nguyên vẫn giữ được vị thế và sức mạnh thương hiệu so với Vinacafé Biên Hòa nói riêng cũng như trên thị trường cà phê nói chung.
Vậy điều gì đã khiến lợi nhuận của Vinacafé Biên Hòa thăng hoa, trong khi Tập đoàn Trung Nguyên thì lao dốc?
Dữ liệu cho thấy vấn đề nằm ở chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
4 năm gần đây, tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên liên tục tăng, từ mức 23% năm 2016 lên 24% năm 2017, tiếp tục tăng lên 25% trong năm 2018 và vọt lên mức 30% trong năm 2019.
Trái ngược với xu hướng phình to của Tập đoàn Trung Nguyên, tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần của Vinacafé Biên Hòa giảm rất mạnh trong 2 năm trở lại đây.
Cụ thể, nếu như năm 2016 và năm 2017, tỷ trọng này ở mức trên dưới 25% thì sang năm 2018 và năm 2019 giảm đột ngột xuống chỉ còn vỏn vẹn 2%.
Sở dĩ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Vinacafé Biên Hòa giảm đột ngột là do doanh nghiệp này đã chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” sang “xây dựng thương hiệu”, theo đó tận dụng nguồn lực bán hàng (đặc biệt là hệ thống phân phối) và quản lý doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).
Được biết, Masan Consumer là công ty mẹ của Masan Beverage. Masan Beverage là công ty mẹ của Vinacafé Biên Hòa.
Kết quả là, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Trung Nguyên lao dốc trong những năm gần đây. Từ mức 768 tỷ đồng năm 2016 xuống 681 tỷ đồng năm 2017, tiếp tục “bốc hơi” một nửa còn 347 tỷ đồng năm 2018. Sang năm 2019, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt mức 138 tỷ đồng. Sự phình to của chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là nguyên nhân gây ra sự lao dốc này.
Trong khi đó, việc tiết kiệm triệt để chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã giúp lợi nhuận của Vinacafé Biên Hòa tăng khoảng 70%, từ mức trên 450 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2017 lên mức trên dưới 780 tỷ đồng giai đoạn 2018 – 2019.